Dòng chảy xa bờ – Nguy cơ số 1
Dòng chảy rút xa bờ (tiếng Anh: rip current), còn gọi là dòng chảy xa bờ, dòng rip hay dòng rút bờ, là một dòng nước mạnh chảy từ bờ hướng ra biển. Sóng đánh và đưa nước biển vào bờ, nhưng khi nước biển được liên tục đưa vào bờ thì chúng tập hợp lại thành một dòng đi ngược ra biển. Vận tốc trung bình của dòng chảy có thể thay đổi từ 0,5 m đến 1m/giây, khi đó không ai có khả năng bơi ngược nó để vào bờ. Có khi do những thay đổi đột ngột của sóng biển, vận tốc dòng chảy rút xa bờ có thể lên đến 2,5 m/giây, nhanh hơn cả vận tốc bơi của một vận động viên bơi lội Olympic.
Dòng chảy xa bờ thường hẹp, có chiều ngang khoảng 1–3 m. Tuy nhiên, có khi dòng chảy này rộng đến cả chục mét. Trong một ngày chúng có thể di chuyển đến những vị trí khác nhau trong vùng đới sóng đổ. Hiện tượng này có thể xảy ra ở bất cứ vùng đới sóng đổ nào của đại dương, biển, và những hồ lớn.
I. Nguyên nhân
Sóng đập vào bờ khiến nước rẽ sang hai bên, dòng nước này di chuyển dọc theo bờ cho đến khi tìm ra lối thoát ngược ra khơi. Thường thì dòng chảy rút xa bờ hoạt động trong phạm vi hẹp và xảy ra trong vùng nước có những dải cát, dưới cầu tàu, hoặc dọc những đê chắn sóng.
Nhiều người hiểu lầm rằng dòng chảy xa bờ đủ mạnh để kéo nạn nhân xuống dòng nước sâu, nhưng thật ra dòng chảy này chỉ mạnh khi hoạt động trên mặt nước. Chính vì dòng chảy mạnh trên mặt nước nên nó có khuynh hướng nhấn chìm những đợt sóng khiến người ta nghĩ rằng đây là vùng biển lặng và thu hút nhiều người đến tắm.
Đã có những thí nghiệm với mục đích dò ra dòng chảy rút xa bờ bằng cách đổ nước nhuộm màu vào đầu dòng chảy ngay tại bờ biển.
II. Nguy cơ
Dòng chảy xa bờ là nguy cơ rình rập những ai thích tắm, bơi lội, hoặc lướt sóng ở biển và hồ. Chúng kéo họ ra xa bờ. Cái chết do đuối nước sẽ đến khi họ kiệt sức vì cố bơi ngược dòng chảy.
Dòng chảy rút bờ cũng gây nguy hiểm cho những người không biết bơi: một người đứng tắm ở mực nước ngang hông vẫn có thể bị kéo ra xa, bị chết đuối vì không biết bơi hoặc do không mang phao cứu sinh. Phụ thuộc vào địa hình, có những bãi biển thường có dòng chảy rút xa bờ, một vài bãi biển khét tiếng vì thường xuyên có dòng chảy loại này.
Tính trung bình trong một thập niên, tại Hoa Kỳ có 46 người mất mạng vì dòng chảy rút xa bờ. Chiếm 80% trường hợp cứu hộ bãi biển là có nguyên nhân liên quan đến dòng chảy rút xa bờ.
Theo MacMahan, Thornton, và Reniers, tại tiểu bang Florida, hiểm họa lớn nhất trong số những mối nguy hiểm tự nhiên xảy ra tại các bãi tắm là do dòng chảy rút xa bờ. Còn theo tư liệu của Luschine (1991) và Lascody (1998), con số tử vong do dòng chảy rút xa bờ ở tiểu bang này còn lớn hơn số người thiệt mạng trong những trường hợp hỏa hoạn, bão tố, hoặc những biến loạn khác.
Tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, và Úc, đã thực hiện nhiều cuộc nghiên cứu về dòng chảy rút xa bờ nhằm tìm ra những phương pháp dự báo, cảnh báo ngắn hạn hoặc dài hạn, hướng dẫn cách đề phòng và xử lý tình huống. Ở những khu nghỉ dưỡng ven biển và tại các bãi tắm đều có những đội tuần tra, cứu hộ, các vọng gác, cờ hiệu, và nhiều tấm pa-nô, áp-phích cảnh báo.
Mặc dù chưa có thống kê chính thức số nạn nhân của dòng chảy rút xa bờ tại Việt Nam, một số nghiên cứu cho thấy tại nhiều bãi biển đều xuất hiện những dòng chảy rút xa bờ, trong đó có những bãi tắm thu hút đông người như Cửa Lò, Đà Nẵng, Tuy Hòa, Nha Trang, Bắc Hòn Chồng, Bãi Dài (Cam Ranh), Vũng Tàu….
III. Lợi ích
Dù vậy, những vận động viên lướt ván và bơi xuồng kayak thường sử dụng dòng chảy rút xa bờ để ra khơi mà không tốn nhiều sức.
IV. Cách phòng chống
1. Đối với những người tắm biển, đặc biệt đối với khách du lịch ở các nơi xa đến tắm biển
Do chưa hiều biết về dòng chảy xa bờ và các đặc điểm của bãi tắm, cho nên cần tìm hiểu các tiêu chuẩn an toàn của một bãi tắm, có thể bằng cách bạn hỏi những người dân địa phương sống xung quanh bãi tắm, các nhân viên của đội cứu hộ cứu nạn hoặc đọc kỹ các biển cảnh báo được lắp đặt tại các điểm có khả năng dòng chảy xa bờ thường xuyên xuất hiện.
2. Còn đối với những người tắm biển do quá tự tin và chủ quan
Nếu khi bị dòng chảy xa bờ cuốn trôi thì cần phải nắm được các phương pháp phòng tránh theo các bước thực hiện sau đây:
- Không nên hoảng sợ và phải hết sức bình tĩnh.
- Cố gắng bơi bơi thả trôi tự do xuôi theo dòng chảy xa bờ để tiết kiệm năng lượng, tuyệt đối không bơi ngược dòng, chống lại dòng chảy theo hướng ngược vào bờ.
- Để thoát khỏi sự ảnh hưởng của dòng chảy xa bờ, cần bơi thả lỏng để tìm thời cơ bơi lách qua trục của dòng về hai phía. Sau khi thoát khỏi dòng chảy xa bờ sẽ tìm cách bơi từ từ vào bờ.
- Nếu không bơi thoát khỏi dòng chảy xa bờ do dòng có độ xoáy, thì phải sử dụng phương pháp bơi thả nổi hoặc bơi đứng, đồng thời kêu cứu sự giúp đỡ của những người trên bờ hoặc nhân viên đội cứu hộ, cứu nạn bờ biển.
- Người bị nạn, nếu cảm thấy đuối sức không có thể bơi được vào bờ thì phải kêu to và vẩy tay yêu cầu sự cứu hộ khẩn cấp từ trên bờ. Nếu người bị nạn sau khi lấy lại được sự bình tĩnh hoặc sau khi dòng chảy đã yếu dần ở khu vực xa bờ, thì cố gắng bơi lách qua dòng chảy xa bờ và sau đó theo hướng thẳng vào bờ. Không nên hoảng sợ, vì biết rằng dòng chảy sẽ chấm dứt và tiêu tán ở vùng nước sâu xa bờ.
3. Đối với những người đang ở trên bờ chưa bị dòng chảy xa bờ tấn công
- Phải thận trọng để mình không phải là nạn nhân tiếp theo của dòng chảy xa bờ.
- Cần tìm ngay đội tuần tra, cứu hộ cứu nạn bãi biển để giúp đỡ những người gặp nạn.
- Nếu không không liên lạc được với đội tuần tra cứu hộ cứu nạn bãi biển, thì tìm người biết bơi giỏi hoặc người có kinh nghiệm đi biển nhiều để giúp đỡ cứu hộ người gặp nạn.
- Kêu to nói với nạn nhân về cách bơi thả lỏng, bơi đứng, không hoảng sợ sẽ có người giúp đỡ.
- Nếu có phao cứu sinh thì có thể ném phao xuống biển để hộ trợ cho nạn nhân.
- Gọi khẩn cấp đến số điện thoại chuyên nghiệp của đội cứu hộ cứu nạn để giúp đỡ.
V. Một số hình ảnh về sự tồn tại của dòng chảy xa bờ (dòng Rip) tại một số bãi tắm của tỉnh Khánh Hòa
Đây là ảnh của dòng Rip xuất hiện tại Bãi Dài–Cam Ranh xuất hiện cách mũi Cù Hin – Bãi dài khoảng 1 km về phía nam.Tình hình thời tiết xảy ra trong thời điểm quan sát thấy dòng Rip này: sóng lừng có độ cao 0,3-0,5m, tốc độ gió 3-4m/s và không ổn định. Nhận xét: dòng Rip hình thành ở đây thuộc dạng Fixed Rip (Rip xách định). Nguyên nhân là do sự ảnh hưởng của dạng địa hình ven bờ có sự tồn tại của các đỉnh nhọn địa hình (cuspate) và các rãnh sâu (channel) phân bố xen giữa và kế tiếp nhau.
Đây là ảnh dòng Rip phát hiện ở khu vực bãi tắm Cù Hin-Bãi Dài Cam Ranh. Cơ chế hình thành dòng Rip cũng có quy luật là của dạng dòng xác định (Fixed Rip), nguyên nhân là do ảnh hưởng của dạng cấu trúc địa hình đáy cuspate và channel, kết hợp với sự tác động mạnh của sóng lừng đang tiến vào bờ. Dòng Rip hình thành ở khu vực này khá thường xuyên, vì ở đây luôn tồn tại một rãnh sâu quanh năm, tuy nhiên với cường độ mạnh hay yếu khác nhau, phụ thuộc vào độ cao sóng.
Đây là ảnh của một dòng Rip có dạng xoáy tại chỗ, được hình thành ở gần cuối cầu cảng Vinpearl land (bãi tắm Nha Trang). Dòng Rip này thuộc dạng dòng Rip cố định (Permanent Rip), được hình thành do dòng nước phản xạ từ cầu cảng ra gặp dòng đang đi vào và hội tụ tạo thành, đây là dòng Rip có tính chất xoáy, do đó người bơi yếu sẽ khó thoát ra khỏi dòng Rip.
Ảnh chụp dòng Rip hình thành ở khu vực bãi tắm gần nhà nghỉ 378 (đối diện với UBND tỉnh Khánh Hòa). Dòng Rip ở đây cũng thuộc dạng Permanent Rip, sự hình thành là do sự phản xạ mạnh của sóng vào bờ kè đường Trần Phú, tạo ra một dòng nước ngược chảy mạnh ra nước biển, tạo thành dòng Rip. Dòng Rip ở đây xảy ra khá mạnh, nếu sóng lừng có độ cao lớn đánh dồn dập vào bờ kè nằm gần sát mép nước biển
Đây là dạng dòng Rip xảy ra rất phổ biến trên đại bộ phận của bãi tắm Nha Trang, nguyên nhân hình thành là do ảnh hưởng mạnh của sóng lừng từ bão hoặc gió mùa Đông Bắc gây ra. Đây là dòng Rip dạng xác định (fixed rip), cơ chế hình thành là do sự tác động trực tiếp của sóng lừng làm bãi biến đổi tạo thành cấu trúc địa hình bãi có dạng cuspate và channel. Độ cao sóng lừng càng lớn thì dạng địa hình cuspate và channel càng được thể hiển rõ ràng và trên cơ sở đó dòng Rip sẽ được hình thành, đặc biệt vào các thời điểm có sóng lớn tác động vào bờ trong điều kiện mực nước thủy triều dâng cao. Khác với Bãi Dài Cam Ranh, dạng địa hình Cuspate và channel ở đây chủ yếu chỉ thể hiện trên bãi, còn ở Bãi Dài Cam Ranh thì quá trình hình thành cả trên Bãi lẫn dưới nước. Dòng Rip ở bãi Nha Trang do bãi biển có độ dốc lớn, nên thường biến đổi thành dòng dội rất nguy hiểm, vì nó có tốc độ lớn và chủ yếu hình thành ở tầng gần đáy.
Trên cơ sở phân tích ảnh máy bay đa phổ, có thể nhận dạng khả năng xuất hiện các dòng Rip tại các rãnh sâu, hố sâu của Bãi Dài Cam Ranh. Cấu trúc địa hình bãi và đáy ở đây có dạng bao gồm các đỉnh nhọn địa hình nhô từ bờ ra biển và nằm xen giữa chúng là các rãnh sâu, hố sâu. Ảnh máy bay còn cho phép nhân dạng địa hình đáy vùng ven bờ thông qua trạng thái màu nước biển do sóng tạo ra: vùng nước bọt trắng xóa là vùng đỉnh có các nhọn địa hình, đó là vùng nước nông, còn vùng nước có màu xanh đậm là vùng của các rãnh nước sâu.
Trên ảnh viễn thám Quicbird chụp ngày 31 tháng 1 năm 2010, đã phát hiện thấy sự hình thành của một dòng Rip đơn độc tại một vùng lõm (rãnh sâu) của hệ thống địa hình dạng cuspate và embayement.
Cấu trúc bãi biển có dạng địa hình với những cuspates và embayements được hình thành ngay trên bãi Nha Trang do nguyên nhân tác động bào mòn của sóng lừng trên bãi. Với dạng địa hình bãi đặc trưng này, dòng Rip có thể hình thành trực tiếp ngay trên bãi khi có sóng lớn tràn bờ kết hợp với sự dâng lên của mực nước.
Bằng việc giải đoán ảnh Viễn thám, địa hình đáy ở khu vực bãi tắm Bắc Hòn Chồng-Nha Trang cho thấy ở đây có khả năng xuất hiện các dòng Rip nguy hiểm ở các khu vực khác nhau: 1 – ở gần đường Đặng Tất và 2 – ở gần đường Mai Xuân Thưởng)
Các bạn cũng có thể tham khảo các dạng dòng chảy xa bờ tại Video tổng hợp dưới đây:
Xem thêm: 5 lưu ý phòng chống đuối nước khi đi biển
Muốn học bơi ở Nha Trang? Tìm Thầy Vinh dạy bơi Nha Trang. Kỹ càng - Tận tâm - Đúng cách. Hiệu quả đặt lên số "DZÁCH"!!!